Đắk Lắk đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững
Ngày đăng: 18/07/2023 13:57
Số điện thoại
Ngày đăng: 18/07/2023 13:57
Đắk Lắk đẩy mạnh hoạt động xúc tiến đầu tư, tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững
Với vị trí đắc địa nằm ở trung tâm vùng Tây Nguyên, tỉnh Đắk Lắk là nơi hội tụ nhiều tiềm năng, thế mạnh và có nhiều thuận lợi trong giao thương kinh tế và văn hóa; nguồn tài nguyên thiên nhiên đa dạng, hệ thống cơ sở hạ tầng tương đối hoàn thiện; tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo, nông - lâm nghiệp và thủy sản, du lịch sinh thái, văn hóa,… rất phong phú; nguồn lao động trẻ dồi dào; nền kinh tế phát triển năng động; an ninh chính trị ổn định;… Những lợi thế so sánh đó giúp cho Đắk Lắk đã và đang trở thành điểm đến tin cậy để nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn lựa chọn làm nơi triển khai thực hiện nhiều dự án quy mô lớn.
![]() |
Trung tâm xúc tiến đầu tư Đăk Lăk |
Thời gian qua, với quan điểm “Đồng hành cùng doanh nghiệp, nhà đầu tư để phát triển bền vững”, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Đắk Lắk luôn quan tâm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư trong quá trình làm thủ tục đầu tư, thực hiện dự án. Tính riêng trong quý II/2023, UBND tỉnh Đắk Lắk đã quyết định chủ trương đầu tư, đồng thời chấp thuận nhà đầu tư cho 07 dự án với tổng số vốn đầu tư 779.625 tỷ đồng, tăng 02 dự án so với cùng kỳ; điều chỉnh quyết định chủ trương đầu tư 10 dự án; thống nhất tổ chức lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức đấu thầu 01 dự án. Bên cạnh đó, có khoảng 100 lượt nhà đầu tư đến tìm hiểu môi trường và cơ hội đầu tư tại tỉnh, trong đó có những nhà đầu tư nhiều tiềm năng như: Công ty Cổ phần Dệt may Liên Phương Highland; Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam; Công ty Cổ phần Shinec; Công ty TNHH Cảng Vân Phong…
Đối với đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tỉnh Đắk Lắk đã giải quyết kịp thời, đúng quy định của pháp luật về thủ tục cấp quyết định chấp thuận điều chỉnh chủ trương đầu tư; cấp, điều chỉnh giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; hướng dẫn, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong quá trình triển khai thủ tục đầu tư, thực hiện dự án FDI. Tính lũy kế đến nay, trên địa bàn tỉnh có 24 dự án FDI đang thực hiện với tổng vốn đăng ký 622,107 triệu USD, trong đó có 02 dự án với tổng vốn 26,9 triệu USD được đầu tư trong Khu Công nghiệp Hòa Phú.
Trong công tác hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), tỉnh Đắk Lắk đã đôn đốc chủ đầu tư tập trung triển khai Kế hoạch đầu tư công năm 2023, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn; phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, nhà tài trợ kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện cho chương trình, dự án ODA hoàn thành đúng tiến độ, phát huy hiệu quả. Hiện nay, tỉnh Đắk Lắk đang thực hiện 06 dự án với tổng mức đầu tư khoảng 2.325 tỷ đồng. Ngoài ra, các nhà đầu tư tiếp tục triển khai thi công 03 dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Các dự án sau khi hoàn thành đưa vào vận hành sẽ thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm cho lao động địa phương và đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách tỉnh, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Phát huy nội lực, tiềm năng để phát triển trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm mời gọi, thu hút đầu tư theo hướng đổi mới, nâng cao hiệu quả xúc tiến đầu tư cả về nội dung và phương thức. Trong đó, chú trọng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ưu tiên phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị; đẩy mạnh phát triển các ngành công nghiệp có lợi thế như: công nghiệp chế biến sâu, năng lượng tái tạo, cơ khí chế tạo phục vụ sản xuất, chế biến trong nông nghiệp, chăn nuôi, công nghiệp phần mềm, gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, tỉnh Đắk Lắk cũng rất quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng trong các khu, cụm công nghiệp của tỉnh, đặc biệt là đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn; phát triển, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của các ngành dịch vụ có tiềm năng và giá trị tăng cao như: du lịch sinh thái, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, vận tải, logistics, giáo dục, y tế, khoa học,…; phát triển hệ thống ngân hàng đáp ứng nhu cầu vốn và dịch vụ cho nền kinh tế.
Phát huy kết quả đã đạt được trong công tác xúc tiến, thu hút đầu tư, cấp ủy, chính quyền các cấp đã đề ra giải pháp, định hướng đúng đắn và sự chung sức đồng lòng, chủ động, nỗ lực vượt qua khó khăn, chắc chắn trong thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk sẽ đạt được mục tiêu về thu hút đầu tư, không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh, từ đó tạo nền tảng thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh và bền vững./.