TIỀM NĂNG THẾ MẠNH
1. Diện tích đất
Đắk Lắk có diện tích đứng thứ 4 cả nước, trong đó phần lớn diện tích đất là đất bazan màu mỡ, rất phù hợp để phát triển các loại cây có giá trị kinh tế cao như: Cà phê, cao su, ca cao, điều, hồ tiêu, bơ, sầu riêng,...
2. Di sản văn hoá
Đắk Lắk là một trong những chiếc nôi nuôi dưỡng không gian văn hoá Cồng Chiêng Tây Nguyên, được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và phi vật thể nhân loại.
3. Du lịch
Đắk Lắk có lợi thế với nhiều địa danh cho phép khai thác theo hướng kết hợp du lịch cảnh quan, sinh thái, môi trường và truyền thống văn hoá của nhiều dân tộc trong tỉnh, trong đó có một số khu du lịch nổi tiếng như Hồ Lắk, Thác Dray Nur, Khu du lịch Buôn Đôn, Khu du lịch Kotam, Vườn quốc gia Yok Đôn, Vườn quốc gia Chư Yang Sin...
Lễ hội cà phê Buôn Ma Thuột định kỳ hai năm tổ chức một lần vào tháng 3 với quy mô lớn, quy tụ đông đảo các nhà sản xuất, chế biến cà phê nổi tiếng trên thế giới.
4. Năng lượng
Đắk Lắk có tiềm năng rất lớn về phát triển năng lượng tái tạo (điện mặt trời, điện gió, điện sinh khối).
- Có số giờ nắng cao với bức xạ nhiệt trung bình khoảng 4,7-5 kWh/m2/ngày, tập trung ở khu vực phía Tây của tỉnh.
- Có vận tốc gió trung bình hàng năm từ 6m/s, tập trung ở khu vực phía Bắc của tỉnh.
5. Nông, lâm nghiệp và thủy sản
Đắk Lắk có diện tích 650.000 ha đất sản xuất nông nghiệp (đứng đầu cả nước) và gần 42.000 ha mặt nước, với nhiều loại nông sản có sản lượng, chất lượng đứng đầu cả nước như: cà phê, cao su, điều, hồ tiêu, ca cao, macca, mật ong, cá nước lạnh… thuận lợi để phát triển sản xuất nông, lâm, thủy sản theo chiều sâu, gắn với phát triển công nghiệp chế biến và tiêu thụ sản phẩm, tạo nên chuỗi giá trị sản phẩm nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh, của vùng và quốc gia, có sức cạnh tranh cao trên thị trường trong nước và quốc tế.
* Cà phê
Đắk Lắk có diện tích cà phê lớn nhất cả nước với hơn 213.000 ha, sản lượng đạt trên 520.000 tấn được trồng tập trung chủ yếu ở vùng chỉ dẫn địa lý cà phê Buôn Ma Thuột. Cà phê Đắk Lắk được biết đến và ưa chuộng trên 72 quốc gia; các thị trường tiêu thụ cà phê lớn là Mỹ, Nhật Bản, EU, …
* Cao su
Có 34.000 ha, sản lượng 38.000 tấn. Sản phẩm chủ yếu là mủ khô và các sản phẩm chế biến từ gỗ cao su phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu trên 24 nước.
* Hồ tiêu
Hồ tiêu lớn nhất cả nước với hơn 32.000 ha, sản lượng hơn 81.000 tấn; được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới, trong đó có thị trường khó tính như Mỹ, Nhật Bản, EU....
* Điều
Có 27.000 ha, sản lượng 31.000 tấn, sản phẩm chính là nhân hạt điều; được xuất khẩu chủ yếu sang thị trường Trung Quốc, Mỹ còn lại qua các thị trường Hồng Kông, Đài Loan, Singapore.
* Mắc ca
Mắc ca với hơn 2.700 ha, sản lượng hơn 1.300 tấn. Hạt mắc ca Đắk Lắk được đánh giá xếp loại hàng đầu về dinh dưỡng, hương vị và chất lượng trên thế giới.
* Mật ong
Với lợi thế có rừng tự nhiên, cà phê, cao su, nhiều loại cây trồng ra hoa quanh năm. Sản lượng gần 12.000 tấn/năm - lớn nhất cả nước. Mật ong và sản phẩm từ ong mật được khẳng định thương hiệu trên trường quốc tế.
* Cây ăn quả
Đắk Lắk có lợi thế rất lớn để phát triển cây ăn quả có giá trị cao như: Sầu riêng với hơn 14.900 ha, sản lượng trên 137.000 tấn; Bơ với hơn 9.000 ha, sản lượng khoảng 114.000 tấn,.... các sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ nội địa và xuất khẩu qua các thị trường Trung Quốc, Hà Lan, Pháp. Với tổng diện tích trồng cây ăn quả khoảng 43.000 ha, sản lượng hàng năm đạt hơn 220.000 tấn; tỉnh đang khuyến khích, định hướng nông dân áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, Globalgap, sản xuất hữu cơ bền vững để nâng cao chất lượng sản phẩm.